1
Các bạn có biết trải nghiệm của một người trẻ tuổi khi mắc bệnh nan y là như thế nào không?
Đại khái là, vị bác sĩ vốn không mấy kiên nhẫn, khi nhìn thấy kết quả kiểm tra của tôi bỗng trở nên nhẹ nhàng hỏi: “Cháu đang học ở đây đúng không? Ba mẹ cháu đâu? Nếu nhà không xa, hãy bảo họ đến bệnh viện một chuyến nhé.”
Tôi nói: “Ba mẹ cháu đều không còn nữa, từ nhỏ đã sống với bà ngoại.”
Bác sĩ khựng lại một chút, rồi nói: “Vậy bảo bà ngoại đến đây một chuyến đi, việc điều trị hay không, và điều trị như thế nào, đều cần phải bàn bạc với người thân.”
Tôi cười, rồi chợt muốn khóc: “Không sao đâu, bác sĩ cứ nói trực tiếp với cháu cũng được. Cháu đã hỏi các anh chị học ngành y rồi, cháu cũng biết đại khái kết quả mấy tờ xét nghiệm này là gì.”
Bác sĩ không nói gì.
Phòng khám bên ngoài rất ồn ào, nhưng trong phòng lại yên tĩnh lạ thường.
Giữa sự yên tĩnh hiếm có đó, tôi cảm thấy mình như sắp bị nhấn chìm.
Tôi lúng túng lấy khăn giấy từ trong balo ra nhưng không kịp, nước mắt đã rơi xuống rồi.
Bác sĩ lặng lẽ đẩy hộp khăn giấy về phía tôi, tôi rút một tờ và bắt đầu lau nước mắt.
Không hiểu sao càng lau nước mắt lại càng nhiều, lau mãi lau mãi nhưng không hết.
Tôi nói: “Bà ngoại cháu già rồi, lại không biết chữ. Bà chưa từng rời khỏi huyện nhỏ của chúng cháu, thậm chí còn không biết đi tàu cao tốc là thế nào. Bà bị cao huyết áp, cháu sợ nếu bà biết thì…”
Tôi không nói tiếp được nữa.
Bác sĩ im lặng một lúc, rồi nói: “Chủ yếu là bệnh của cháu, nhiều đợt điều trị sau này đều cần người thân ký tên, nếu không chúng tôi không thể điều trị cho cháu.”
Tôi lấy khăn giấy che mặt, hết tờ này rồi tờ khác, rất nhanh đã thấm ướt hết.
Bác sĩ nhẹ nhàng nói: “Cô bé à, thực ra bệnh của cháu vẫn chưa đến giai đoạn cuối, về mặt y học thì khả năng chữa khỏi vẫn còn rất lớn. Chúng ta đối phó với bệnh tật, tinh thần cũng rất quan trọng đấy nhé.”
Ra khỏi bệnh viện, tôi nhận được cuộc gọi từ cố vấn học tập của tôi.
“Alo, Quan Thiến phải không? Bạn cùng phòng của em nói em mấy hôm trước phải vào cấp cứu, có chuyện gì vậy?”
“Có lẽ em bị ung thư rồi.” Tôi nói.
Cô ấy im lặng đến hơn mười giây, rồi mới vụng về an ủi tôi: “Quan Thiến à! Đừng lo lắng. Bây giờ kỹ thuật y tế phát triển như vậy, em lại còn trẻ thế này, chắc chắn sẽ chữa khỏi thôi.”
Tôi vâng một tiếng.
Cô ấy lại nói: “Chú của chồng cô là trưởng khoa ở bệnh viện trực thuộc, em gửi kết quả xét nghiệm hiện có cho cô, cô nhờ chú ấy xem giúp được không?”
“Được ạ.”
Cuộc gọi kết thúc.
Tôi đứng trên vỉa hè, nước mắt mờ đi khiến cả con số trên đèn giao thông cũng trở nên nhòe nhoẹt.
Đèn giao thông chuyển từ đỏ sang xanh, người đi bộ dừng lại rồi đi tiếp, hết lượt này đến lượt khác.
Một cô gái lướt qua tôi, rồi quay lại, cúi người vỗ nhẹ vai tôi, dịu dàng đưa cho tôi một gói khăn giấy nhỏ và một quả quýt.
“Đừng khóc nữa.” Cô ấy khẽ nói.
Tôi ngẩng đầu nhìn cô ấy, khuôn mặt cô ấy trong làn nước mắt hiện lên với ánh sáng ấm áp dịu dàng.
Xin lỗi, xin lỗi, hôm nay tôi không còn sức để cảm ơn cô.
Nhưng tôi chúc cô, chúc cô luôn luôn khỏe mạnh, không bao giờ gặp phải nỗi đau và tuyệt vọng như tôi.
Đèn đỏ chuyển sang xanh, cô ấy đi xa rồi.
Tôi đứng dậy, lau khô nước mắt.
Trên con phố gió lạnh rít từng cơn, quả quýt trong tay tôi vẫn còn ấm.
Nhiệt độ ở Hàng Châu đã dần hạ thấp, lác đác vẫn còn vài cây quế tỏa hương thơm nồng nàn.
Giữa cái lạnh của hương quế ấy, tôi đã nhập viện.
Chỉ có cố vấn học tập biết mức độ nghiêm trọng bệnh tình của tôi, các bạn cùng phòng và những người bạn thân nhất đều nghĩ rằng tôi chỉ đi phẫu thuật một ca nhỏ, thậm chí còn đùa với tôi rằng: “Xong rồi, Thiến Thiến sẽ lỡ mất kỳ thực tập công nghệ, không thể trở thành cô thợ mài búa được nữa.”
Họ cười rộ lên, tôi cũng cười theo, vừa cười vừa quay đi để che giấu đôi mắt đỏ hoe.
Cuộc điện thoại của dì họ gọi đến vào buổi chiều hôm đó, khi tôi vừa hoàn tất thủ tục nhập viện.
Dì vội vàng nói rằng dì đang chuẩn bị đến Hàng Châu để ký giấy tờ cho tôi, nhưng trong lúc thu dọn hành lý đã không kìm được mà lỡ lời để bà ngoại biết.
“Bà ngoại cháu bướng lắm, nói muốn đi Hàng Châu chăm sóc cháu, dì thật sự không cản nổi.”
Tôi im lặng.
Dì họ đợi mãi không thấy tôi trả lời, thở dài: “Theo lý thì dì nên đi cùng bà ngoại, nhưng bà không cho, nói rằng còn phải chăm sóc trẻ con và người già ở nhà… Thiến Thiến, cháu không trách dì chứ?”
Tôi làm sao trách được dì chứ?
Dì còn có con nhỏ, người già, bao năm qua đã giúp tôi rất nhiều. Họ hàng xa mà làm được đến vậy đã là quá đủ rồi, sao có thể yêu cầu dì bỏ công việc ở nhà để đến chăm sóc tôi?
Lẽ đó, tôi hiểu, bà ngoại càng hiểu.
Tôi mỉm cười: “Không đâu dì ạ. Lúc dì sẵn lòng đến ký giấy tờ cho cháu là cháu đã rất biết ơn rồi, không sao đâu, dì cứ lo việc của dì đi, cháu sẽ gọi cho bà ngoại.”
Giọng dì nghe có chút áy náy: “Dì cũng không giúp được gì… À Thiến Thiến, tiền chữa bệnh cháu có đủ không? Dì chuyển cho cháu ít tiền nhé.”
Tôi vội vàng từ chối: “Không cần đâu dì, cháu mở một studio nhiếp ảnh, hiện tại cháu có tiền, cháu tự lo cho bản thân mình được ạ.”
Dì như trút được gánh nặng, cười nhẹ: “Nếu tiền không đủ, nhất định phải nói với dì, đừng giữ một mình nhé.”
Dù biết dì không thấy, tôi vẫn vô thức gật đầu: “Cảm ơn dì… Còn chuyện cháu mắc bệnh, dì giúp cháu giữ kín nhé, cháu không muốn bà ngoại lại trở thành người đáng thương trong mắt hàng xóm.”
Năm ấy khi ba mẹ gặp chuyện, tôi còn nhỏ, không nhớ rõ mọi chuyện.
Chỉ duy nhất nhớ được giữa một biển trắng xóa trong nhà và ngoài sân, bà ngoại khóc thảm thiết đến mức hàng xóm phải đỡ bà, ánh mắt của họ đầy thương hại.
Với người đã kiên cường cả đời như bà, những ánh mắt thương cảm không thể xuyên thấu ấy đôi khi làm người ta muốn bỏ trốn.
Sau khi dì họ tắt máy, tôi gọi cho bà ngoại.
Nhạc chuông hoa mỹ vừa reo được vài giây, điện thoại đã được bắt máy.
“Alo, Thiến Thiến à?”
Tôi không kìm được, vừa nghe thấy giọng bà ngoại tôi đã khóc.
Tôi thật không có bản lĩnh.
Đọc thêm nhiều truyện hay tại TruyenBiz.NetTôi ngừng vài giây, cố gắng không để mình phát ra tiếng khóc, rồi mới nói: “Vâng, là con đây. Bà ngoại ăn tối chưa ạ?”
Đầu dây bên kia mơ hồ vang lên tiếng thông báo ga tàu: “Ga tiếp theo là Hàng Châu, xin quý khách chuẩn bị xuống tàu.”
Trong tiếng thông báo đó, bà ngoại rõ ràng trả lời tôi: “Ăn rồi, hôm nay bà nấu canh củ cải, ngon lắm.”
Bà đang nói dối.
Tôi nói: “Bà đừng lừa con nữa, bà đến Hàng Châu rồi, đúng không?”
Bà thở dài: “Ừ.”
Tôi hỏi: “Bà làm sao mà lên được tàu? Bà vốn không biết chữ mà.”
Bà ngoại cười: “Bà không biết chữ, nhưng bà biết hỏi mà. Cả người bán vé, người ngồi chung, họ thấy bà là một bà lão nông thôn, biết bà không biết chữ, nên rất kiên nhẫn với bà. Cậu thanh niên ngồi cạnh trông cũng cỡ tuổi con, còn chia cho bà một cốc mì ăn liền nữa.”
Tôi lấy tay che lên mắt, không nói nên lời.
Bà im lặng một lát, rồi nói: “Thiến Thiến, con bị bệnh sao không nói với bà? Con có biết không, suốt quãng đường đi, trong đầu bà lúc nào cũng hiện lên những dòng suy nghĩ: Thiến Thiến nhà mình một thân một mình ở Hàng Châu, con lại kén ăn, sợ đau, rồi tới lúc bệnh, có ai chăm sóc không? Liệu có phải con đã âm thầm khóc một mình không?”
Dường như cả thế giới lặng đi trong chốc lát.
Tôi luống cuống nhấn nút tắt tiếng, để bà không nghe thấy tiếng khóc nức nở mà tôi không thể kìm nén được.
Ở góc hành lang ít người qua lại, ánh hoàng hôn cuối cùng đã tắt, tôi không còn đứng vững nữa, phải dựa vào khung cửa sổ rồi bật khóc nức nở.
2
Bà ngoại ở lại Hàng Châu.
Thực ra, nếu không tính đến những cơn đau dữ dội do di căn gây ra, thì những ngày tôi điều trị trong bệnh viện cũng không quá khổ cực.
Gần bệnh viện có một bếp ăn từ thiện, chỉ cần trả vài đồng tiền gas là có thể sử dụng tất cả đồ dùng nấu nướng.
Mỗi sáng, bà ngoại đều dậy trước sáu giờ, đi khắp các chợ ở Hàng Châu.
Dù không nói cùng ngôn ngữ, bà vẫn luôn mua được những con cá trắm tươi nhất, chỉ rắc chút muối, nấu cho tôi nồi canh cá trắm đậu phụ trắng ngần.
Ngoài những món ngon, nhiều ký ức khác lại mang theo chút đau đớn.
Xạ trị chắc chắn là rất khó chịu. Làn da mà tôi từng tiếc không dám phơi nắng vào mùa hè, khi làm xạ trị liền bị cháy sạm.
Rụng tóc cũng là một nỗi khổ. Các bạn đều biết mà, mỗi kỳ thi đến, trong ký túc xá nữ sinh, câu than vãn thường nghe nhiều nhất là “Tóc tôi lại rụng nữa rồi.”
Giờ nghĩ lại, tôi thật lo xa vô cớ.
Hồi đó tóc chỉ rụng từng sợi, giờ thì rụng thành từng nắm.
Trên gối, ga giường, sàn nhà, đâu đâu cũng là tóc của tôi, trông thật ghê rợn.
Tranh thủ khi bệnh tình chưa nghiêm trọng đến mức cản trở việc đi lại, tôi tìm một tiệm cắt tóc gần đó, nói với thợ cắt rằng tôi muốn cạo trọc.
Nhớ hồi trước, khi tôi từ tóc dài cắt ngắn, thợ làm tóc còn cẩn thận hỏi tôi có phải thất tình không.
Nhưng bây giờ tôi bảo muốn cạo trọc, thợ cắt không chớp mắt, điềm tĩnh chỉ vào bảng giá ——
Cạo trọc, hai mươi lăm tệ.
Chắc là thợ đã quá quen với chuyện này, tiệm lại mở ngay gần bệnh viện, và cũng đã hoạt động hơn mười năm rồi.
Nghĩ vậy, tôi vừa thấy buồn cười, vừa cảm thấy tủi thân.
Khi lưỡi dao cạo rơi xuống lớp tóc đầu tiên, tôi nhắm mắt lại.
Mở mắt ra, đầu tôi đã bóng loáng tới mức có thể phản chiếu ánh sáng.
Tôi đứng dậy, nhìn vào gương, một cái đầu trọc lốc.
Thật ra lúc này chỉ thấy có chút lạ lẫm, chưa kịp cảm thấy buồn.
Nhưng khi tôi quay người lại, thấy bà ngoại ngồi xổm trên sàn, đang nhặt những lọn tóc rơi của tôi, bỗng cảm thấy tim mình như bị đ//âm một nhát thật mạnh.
“Đẹp thế mà.” Bà lẩm bẩm, nhặt từng lọn tóc, cẩn thận ôm vào lòng.
Thợ cắt tóc không nói gì, quay vào phòng trong, rồi bước ra với một dải ruy băng, đưa cho bà ngoại: “Khi qua được giai đoạn này, tóc của cô ấy chắc chắn sẽ dài lại như cũ.”
Bà ngoại cúi đầu, gật mạnh.
Bà nắm chặt lọn tóc được buộc nơ bướm bằng sợi ruy băng, tóc đen bóng loáng như thể phát sáng, khiến mắt tôi cay xè.
Giai đoạn đầu điều trị, tôi vẫn còn khá khỏe.
Vì thực sự tôi không cảm thấy đau đớn gì nhiều, ngoài việc bác sĩ chụp phim xong nói với tôi rằng, chỗ này, chỗ kia, chỗ kia đều không ổn.
Nhưng những tế bào ung thư đó chỉ tồn tại trên phim, tôi không có cảm nhận gì rõ rệt.
Thậm chí tôi còn có sức sửa lại những tấm phim, hoàn thành công việc cho khách hàng, kiếm thêm một chút tiền để trang trải thuốc men.
Nhưng về sau thì tôi không chịu nổi nữa.
Giai đoạn cuối, dây thần kinh cảm giác của tôi trở nên cực kỳ nhạy cảm.
Gần như mỗi giây phút tôi đều mong chờ bác sĩ tiêm thuốc giảm đau, vì chỉ khi đó, tôi mới cảm thấy mình là một con người.
Một con người có phẩm giá, có nhận thức rõ ràng, và đầy đủ các giác quan. Chứ không phải là một bóng ma bị nhấn chìm trong đại dương của nỗi đau thể x//ác, không thể thở nổi nhưng cũng không thể chet đi.
Thuốc giảm đau có hiệu quả rất tốt, nhưng tiếc là không thể tiêm nhiều.
Khi không có thuốc giảm đau, tôi thực sự cảm giác như mình có thể vì đau mà chet đi.
Nỗi đau đến mức mất cả lý trí, tôi thậm chí không còn sức để nói thêm một câu nào.
Nhưng nước mắt thì không thể kiểm soát, cứ tuôn ra từ khóe mắt, lan đến ướt cả gối.
May mắn là người tôi đầy mồ hôi lạnh, nên có lẽ họ cũng không thể phân biệt được rõ ràng liệu trên mặt tôi là mồ hôi hay nước mắt.
Trước đây tôi yếu đuối, mỗi khi bị đau bụng kinh là cứ than vãn mãi, luôn miệng la lên “Không chịu nổi nữa, đau quá, tôi phải nghỉ học thôi.”
Giờ tôi mới biết, khi đau đến cực điểm, suy nghĩ của con người dường như bị phong ấn.
Ví dụ như tôi không còn nhớ rõ, khi tôi đau đến mức sụp đổ, liệu tôi có nói ra câu “Tôi không thể sống nổi nữa” hay không.
Một đêm nọ, tôi tỉnh dậy, đồng hồ trong phòng bệnh chỉ ba giờ mười lăm phút sáng.
Trong sự tĩnh lặng hoàn toàn, đầu óc tôi trống rỗng.
Nhưng khi nhìn thấy bà ngoại co ro trên chiếc giường xếp, tôi đột nhiên nghĩ, hình như tôi đã thực sự thốt ra câu đó.
Tôi không thể sống nổi nữa.
Tại sao tôi lại nghĩ vậy?
Bởi vì tôi nhớ, trong khoảng thời gian tôi mất hết lý trí, suy nghĩ rời rạc, hình như bà ngoại đã ôm tôi khóc.
Một bà lão kiên cường như vậy, chưa bao giờ thể hiện một chút đau khổ nào trước mặt tôi, vậy mà lại ôm tôi khóc.
Để lại một bình luận
Bạn cần Đăng nhập để gửi bình luận.