“Còn kia là nữ quỷ.” – Hai đứa thư đồng chỉ vào cái lọ thuỷ tinh, bổ sung thêm.
Thạch ông biểu cảm trên mặt “ta chết quách đi cho xong” nhưng vẫn phải thành thật kể lại mọi chuyện cho vợ nghe:
“Tôi mới kiếm được ít rượu ngon, biết bà nó nhất định không cho tôi uống, tôi mới bất đắc dĩ phải đem giấu ở đây.”
Thì ra dưới cái hố kia là rất nhiều rượu, nhìn sơ sơ cũng phải bốn năm chục vò. Như thế này Thạch ông vẫn còn nói là ít.
“Hôm đó tôi đi ngang qua nhà trọ Hoa Đào, vô tình bắt gặp con quỷ hài tử này đang bóp chết ma nữ. Tôi nhất thời hồ đồ, mới bắt hết cả hai về tính
nuôi thành quỷ giữ rượu cho tôi… mà cả thằng nhóc này nữa, nó đánh sư
phụ nó một cái muốn trật khớp vai luôn đây này…”
“Ông hay lắm, người ta nuôi thần giữ của, ông thì đi nuôi quỷ giữ rượu!”
“Thì làm sao? Đối với tôi chỗ rượu đó là cả gia tài đấy! Bà có cho tôi uống đâu, mỗi ngày tôi chỉ dám uống trộm có một tí…”
Thạch ông với Thạch bà tranh cãi lôi nhau về nhà, hai đứa thư đồng cũng đi về theo, còn lại cô Ngải và Cảnh Dương cùng với cái tay nải ở lại.
“Chúng ta sẽ đưa họ lên chùa, ngày ngày nghe tụng kinh niệm Phật, sẽ vơi bớt phần nào oán khí.”
Ba ngày sau, khắp các con phố, ngõ ngách, trà dư tửu hậu trong kinh thành
đều nhắc đến chuyện sắp có một đám cưới lớn, của trạng nguyên Cảnh Dương với Thạch cô.
“Thạch cô là ai?”
“Ngươi bị ngốc à? Nhà họ Thạch trên núi Thạch trong truyền thuyết mà cũng
không biết! Thạch cô chính là con gái của Thạch ông và Thạch bà, nghe
nói nhà họ là tiên trên trời giáng xuống.”
“Thảo nào các tiểu thư nhà quyền quý cậu ấy chẳng chịu cưới ai, thì ra là cưới tiên nữ! Ghê thật!”
Câu chuyện đến tai cụ Lý ở quê, cụ bán tín bán nghi, cậu trạng nguyên đó
chẳng phải ngỏ ý muốn cưới con Ngải nhà cụ sao? Sao đùng cái lại quay ra cưới con gái nhà quyền quý nào rồi? Còn con gái cụ thì cậu ta vứt bỏ đi đâu?
Đang nghĩ vẩn vơ thì
người hầu báo tin cho cụ cô Ngải về thăm nhà, lần này cô về xinh đẹp
tuyệt trần, có người khiêng kiệu, quà cáp đầy sân. Cô kể chuyện mình
được nhà họ Thạch nhận làm con nuôi, cô chính là Thạch cô mà người ta
đồn sẽ làm vợ cậu Cảnh Dương. Cụ Lý thấy con rể không thèm ló mặt về thì không vui lắm, nhưng nhìn đống sính lễ bày chật cả sân thì cụ chẳng còn nghĩ ngợi nhiều.
“Dì đâu hả thầy?”
Nhắc đến bà Hai, nụ cười trên mặt cụ Lý tắt ngúm. Từ ngày cô Hồng Ngọc chết, bà Hai cả ngày cứ thẫn thờ ngẩn ngơ, lâu dần biến thành điên dại. Cụ
thấy phiền chán quá nên đem bà trả về nhà ngoại rồi. Cụ còn đang tính
đến chuyện cưới vợ ba, mà chưa dám nói cho cô Ngải biết thôi.
Ý nghĩ cưới vợ ba vừa xẹt qua trong đầu, đột nhiên ánh mắt cụ dại ra,
nhìn chằm chằm đứa con gái lớn lên giống Seo Ly ngày xưa như đúc. Cụ đột nhiên co chân nhảy xổ lên ghế, hai tay ôm đầu co ro:
“Seo… Seo Ly, bà lại về nữa! Tha cho tôi, tha cho tôi đi mà!”
“Thầy, thầy làm sao thế? Con là Ngải con gái thầy mà!”
Mặc cho cô Ngải và người hầu tha hồ can ngăn, cụ Lý cứ gào la, miệng lải nhải cái tên Seo Ly mãi. Người hầu than thở:
“Cô ạ, từ ngày bà Hai bị điên, cụ cứ hay như thế này. Suốt ngày chỉ lung
tung kêu nhìn thấy bà Cả, mà chúng con có nhìn thấy ai đâu!”
Cụ Lý trợn tròn mắt nhìn đống sính lễ, vàng bạc trang sức nguyên một bộ
giống hệt những món đồ của Seo Ly ngày xưa, món nào món đấy lạnh ngắt,
ướt nhẹp như vừa vớt từ dưới nước lạnh lẽo lên vậy. Mâm trầu cau vỏ
ngoài thì xanh mà quả nào quả nấy đều bị cắt đôi, ruột bên trong đỏ như
máu. Những chai rượu thì lấm tấm những vệt đỏ như máu bên ngoài và
thoang thoảng mùi tanh nồng.
Tuy không đến mức độ như bà Hai nhưng thỉnh thoảng cụ Lý vẫn lên cơn nhẹ,
cụ thường kêu la nhìn thấy Seo Ly hiện hồn về ám mình, thấy đồ vật xung
quanh đều biến thành đồ của Seo Ly, nhìn đâu cũng thấy khuôn mặt của bà, thấy cái gì cũng ướt sũng và lạnh ngắt như vừa vớt từ dưới nước lên
vậy. Cả đời này cụ sống trong dằn vặt vì năm đó đã để mặc vợ mình bị
nước cuốn trôi.
“Các người chăm sóc thầy cho tốt, tôi còn về thường xuyên.”
Cô Ngải ngậm ngùi trở về, năm đó thầy cô chọn bỏ mẹ cứu con không biết là
cố tình hay bất đắc dĩ. Nhưng bao năm qua thầy chỉ lo cho vợ mới, không
đoái hoài gì đứa con của vợ trước là sự thật. Đúng là vừa đáng thương
vừa đáng trách.
Nhà họ Thạch trên núi Thạch ngay cả vua cũng phải kính nể vài phần.
Chưa nói đến chuyện năm nào họ cũng công ích tiền tài cho quốc khố, riêng
chuyện Thạch ông Thạch bà sống thọ tới một trăm năm mươi tuổi cũng khiến người ta thán phục rồi. Chuyện đám cưới của Cảnh Dương và Thạch cô
truyền tới tai vua, vua cho mời cả hai vào cung để hỏi chuyện.
Để lại một bình luận
Bạn cần Đăng nhập để gửi bình luận.